Giới thiệu cuốn sách: Hà Nội rong ruổi quẩn quanh

“Hà Nội Rong Ruổi Quẩn Quanh”: Những Vẻ Đẹp Giản Dị Của Hà Nội

Cuộc sống đô thị đang ngày càng trở nên tấp nập. Khi đi trên những con đường Hà Nội, chúng ta ít khi dừng lại để ngắm nhìn, suy ngẫm về cảnh vật và cũng vì bận bịu mà chúng ta không có thời gian để tìm hiểu về một Hà Nội xưa với những dấu ấn đặc biệt. Có lẽ vì vậy mà có những vẻ đẹp đã dần đi vào dĩ vãng, không còn hiện rõ trong kí ức của mỗi người. Hà Nội Rong Ruổi Quẩn Quanh là cuốn tạp văn gợi nhớ chúng ta về những nét đẹp bị bỏ lỡ ấy của Hà Nội, về những câu chuyện lịch sử, đời thường của chúng và làm sống lại những kí ức về thủ đô đã dần nhạt nhoà qua năm tháng. Nhà văn Băng Sơn, với lối viết văn giản dị và chân thành, đã viết nên một cuốn sách đặc sắc về Hà Nội, chi tiết đến từng con phố và ngôi nhà. Cuốn sách gồm những câu chuyện được viết vào những thời điểm khác nhau bởi vậy mà chúng ta có thể “chứng kiến” những chuyển biến của Hà Nội qua thời gian để rồi thấy bùi ngùi và phần tiếc nuối vì có những điều đã thay đổi mãi mãi. 

Hà Nội như máu thịt tôi, không thể tách rời ra được nữa. Tôi chưa bao giờ sống xa Hà Nội quá một tuần. Hà Nội có gì thì con người tôi có cái ấy, dù tôi không phải là Bách khoa thư lưu trữ toàn bộ những thứ liên quan đến Hà Nội, nhưng gần một đời thâm nhập vào Hà Nội, tôi tự thấy mình quá hiểu Hà Nội lắm rồi

Hà Nội Rong Ruổi Quẩn Quanh, đúng theo tên tựa sách, cuốn tạp văn này sẽ dẫn bạn đi khắp Hà Nội, về những miền xưa cũ hay ngắm nhìn hiện tại mà cũng có thể đi tới tương lai. Quẩn quanh Hà Nội – một thành phố giàu văn hoá và lịch sử – chắc chắn sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ! 

  1. Hà Nội và những hồ nước: 

Một công trình kiến trúc, một khu vực thiêng liêng, thường có một gương nước kèm theo, sẽ được tôn lên nhiều lần. Cửa đình, trước chùa, bên lăng miếu, một khuôn viên v.v… xưa này là thế, đã thành quen thuộc.

May mắn sao, Hà Nội là thành phố có nhiều gương hồ như thế.

Nhắc đến Hà Nội không thể không nhắc đến Hồ Gươm. Hồ Hoàn Kiếm có vị trí đặc biệt trong tim của bất cứ người Hà Nội, có lẽ bởi vậy nhà văn Băng Sơn dành cho nơi đây những tình cảm vô cùng nồng nàn qua những chương sách: Tượng vua Lê bên Hồ Gươm, Màu xanh quanh hồ Gươm, Em của Hồ Gươm,..

Những ngày mùa thu, nước Hồ Gươm đầy ắp. Những ngày hè gió lồng lộng, tưởng như gió lặn trong lòng hồ, chiều đến gió mới cất cánh bay lên, quạt mát cho Hà Nội. Ai đến Thủ đô mà chẳng muốn đi dạo bên Hồ Gươm để được đắm mình vào làn gió ấy.

Có lẽ vì biết rằng người dân thủ đô luôn vội vã dịch chuyển theo nhịp sống đô thị, nhà văn Băng Sơn chọn tả cả những nét đẹp mà ít ai để ý như một cách gợi nhắc chúng ta rằng hồ Gươm còn rất nhiều vẻ đẹp để khám phá. Bạn có biết quanh bờ hồ có đến hơn mười loại cây, mỗi loài cây đều có một câu chuyện riêng không? Hay bên hồ Gươm, có một bức tượng vua Lê chỉ cao khoảng 1,2 m gắn liền với truyền thuyết đã làm nên ý nghĩa của nơi này. Bức tượng nhỏ ấy đã thuộc vào loại quý hiếm ấy vậy nhưng không ai phải cũng biết đến.

Nhưng có lẽ ít ai để ý đến một pho tượng đồng khuất sau những tán lá xanh rờn. Từ một bệ đá cao chót vót hình trụ tròn, mà chân bệ choãi ra như một chiếc trống đồng lịch sử; Lê Thái Tổ, mình mặc chiếc áo hoàng bào, đầu đội mũ bình thiên, đang uy nghi cầm kiếm nhìn ra phương Bắc. Pho tượng cổ, vật còn lại vào loại hiếm của Hà Nội. Thanh kiếm đã đi vào truyền thuyết. 

Những lời văn, dù chan chứa cảm xúc nhưng cũng rất mạnh mẽ, khẳng định công lao to lớn của vua Lê và ca ngợi lịch sử hào hùng của dân tộc. Hồ Gươm không chỉ là một thắng cảnh mang tính biểu tượng của Hà Nội mà còn là một di tích lịch sử đặc biệt, trường tồn với thời gian. Tình yêu của nhà văn với nơi đây cũng chính là tình yêu với đất nước mình. Là những độc giả, chúng ta như được truyền niềm tự hào và sự biết ơn đối với thế hệ đi trước và thêm phần trân trọng biểu tượng của thành phố mình.

Một biểu chiều nào đó đi dạo bên Hồ Gươm, ta nhớ lại đất thiêng từ xa xưa, Hà Nội còn lại là đất Long Đô, rồi Thăng Long, Đông Đô… mảnh đất này từng là một trong những cái nôi của dân tộc Đại Việt…

Ta đi, ta nghe trong gió hay từ đáy hồn ta, tiếng nói của cha ông, tiếng nói của Đất nước.

Với người Hà Nội, Hồ Gươm là một mảnh hồn mình. Ta không thể nào quên được cái gió xanh cứ bay lên… bay lên từ mặt hồ lồng lộng. Ta không thể nào quên những đám mây đầy lòng hồ và lòng hồ đã biến thành một khoảng trời xanh biếc… Dù đi xa ngàn dặm, ta vẫn nhớ về gương hồ xinh xắn đó, càng xa càng nhớ, càng gần càng thương.

[…] Đất nước này từng sản sinh một Lê Lợi, một Nguyễn Trãi, một Hồ Chí Minh. Đất nước này sẽ xanh tươi mãi mãi, bền vững mãi mãi, như màu xanh của bầu trời đang soi bóng xuống Hồ Gươm và đậu vào vai người anh hùng còn đứng đó.

Đọc Hà Nội Rong Ruổi Quẩn Quanh, ta nhận ra có lẽ chính những hàng cây cổ thụ in bóng trên mặt Hồ đã biến nơi đây trở thành một tấm gương đậm chất thơ. Quanh bờ Hồ có đến vô vàn loài cây, ấy vậy mà chúng ta ít khi nhìn lên những tán cây đã góp phần tạo nên vẻ đẹp thiên nhiên của biểu tượng Hà Nội. Mỗi loài cây đều có một nét đẹp riêng mà nhà văn ưu ái mô tả đến từng chi tiết. Vẻ đẹp hiện ấy lên đầy sống động mà cũng rất thân thuộc.

Vận động viên đua xe đạp hoặc các cuộc thi chạy quanh Hồ Gươm, có lẽ ít ai để ý xem cái vòng đua gần hai nghìn mét ấy có những thứ cây gì tạo ra màu xanh mướt mát bốn mùa như thế. Còn với người thường, cây là một bộ phận không thể tách rời của hồ, của nỗi lòng ta gửi gắm, nhưng đôi khi ta cũng không tự hỏi xem đó là những cây gì. 

Đi quanh bờ Hồ, ông ghi chép về hơn mười loài cây: cây hoa gạo nơi cửa đền Ngọc Sơn xù trăm mắt nhìn ra cuộc đời, một cây nữa ở vườn Chí Linh mà gốc cây còn có cỏ xanh an ủi, hai cây sung, một còi cọc, một mập mạp trĩu quả,… Hoa gạo tàn thì hoa vông nở, mà có đến tám cây hoa vông, mỗi lần nở rộ, ai cũng phải dừng chân để ngắm nhìn.Tác giả phải vô cùng yêu quý hoa cỏ và thiên nhiên mới dành cho chúng hẳn một chương sách về sắc xanh hồ Gươm. Và có lẽ để chúng ta mãi ghi nhớ về sự hiện diện của hàng cây xanh ngát, ông đặc biệt chú ý đến vị trí và số lượng của chúng để mỗi lần ở bờ Hồ, ta có thể chợt nhớ lại về những cây đa, cây sấu, cây nhội,… đã hơn trăm tuổi.

Mấy năm nay, cây quanh hồ luôn được chú ý trồng thêm hoặc chăm sóc, trồng cây cao hoặc cây bụi v.v… Chỉ tiếc, những loài cây có hương thơm còn ít, không hiểu tại sao? Nếu có thứ thơm như dạ lan hương của vườn hoa Chí Linh những buổi tối thì bờ hồ còn duyên dáng thêm nhiều. Những loài cây trên đây chỉ là nói nó mọc trên phần đất thuộc bờ nước, chứ không kể phía bên kia các con đường quanh hồ. Và nếu còn sót cây nào chưa nói đến, thì cũng là để bạn tự nhớ lại mà bổ sung, để thêm một nét mà mình yêu, mình nhớ, từ lòng mình bật ra thành tên gọi thêm một loài cây….

Em của hồ Gươm là hồ Thiền Quang, trước kia đã từng rất mênh mông nhưng qua thời gian bị lấp dần nhưng hiện tại vẫn còn một cụm ba ngôi chùa Thiền Quang, Quang Hoa và Pháp Hoa. Một hồ nước nhỏ và không được chú ý nhiều nhưng ít ai biết rằng quanh con hồ này là những ngôi nhà của đôi ba gương mặt sáng giá Hà Nội một thời chưa xa lắm. Là một nhà văn với tình cảm chân thành với Hà Nội, Băng Sơn nhìn thấy vẻ đẹp ngay ở những nơi ít ai để ý. Cho dù nhỏ bé, hồ Thiền Quang vẫn có vẻ đẹp rất riêng và vẫn cần được giữ gìn như một phần của lịch sử.

Ta đi một vòng hồ, ba phía là nhà với đôi ba gương mặt sáng giá Hà Nội một thời chưa xa lắm. Nhà nguyên Tổng đốc Hà Đông, Hồ Đắc Điềm, sau là nhân sĩ yêu nước góp nhiều công cho bổ túc văn hoá. Nhà hoạ sĩ Nam Sơn, một thầy giáo trường Mĩ thuật, tốt nghiệp ở Pháp về. Nhà bác sĩ Nguyễn Bách nổi tiếng. Nhà nghỉ hưu của Chủ tịch đầu tiên thành phố Hà Nội Khuất Duy Tiến với cây mít năm nào cũng trĩu quả nhưng chủ nhân vì bị tra tấn nhiều nên tàn phế.

[…] Đôi ba cái xe đạp nước với màu dù xanh đỏ làm gợn mặt hồ những chiều hè đẫm hoàng hôn, không có những cánh tay lá phượng lá đa xoà xuống, nhúng vào mặt nước lăn tăn như Hồ Gươm hoặc con thuyền thoi lá buồm mơ mộng như Hồ Tây… hồ Thiền Quang thanh thản, êm đềm lúc nào cũng như mơ ngủ, giấc ngủ của cô công chúa trong rừng để một lúc nào chàng hoàng tử đến, mở bừng con mắt, thấy mình đổi thay nhanh đến thế.

Hà Nội còn có một hồ nước nữa mà nhà văn ưu ái đặt tên là Gương mặt mĩ nhân. Hồ Gươm đã rất quen thuộc nhưng Hồ Tây còn nhiều điều hơn để chúng ta khám phá. Nhà văn dẫn cta đi qua các nẻo đường bắt đầu từ vườn hoa Lý Tự Trọng cửa đền Quán Thánh vào phố Thuỵ Khuê, qua trường Bưởi rồi đến đường Lạc Long Quân dằng dặc, ngã ba đê Sông Hồng, Nhật Tân,… Đến Phủ Tây Hồ Trấn Quốc Hồ Tây, …mang những kỳ bí và giai thoại đã trở thành những dấu ấn văn hoá quan trọng.

Hồ Tây mênh mông, gió tha hồ phóng túng, mây tha hồ lang thang bóng vào lòng hồ và sương tha hồ bốc lên bảng lảng để thơ và mộng lồng vào nhau, cho giai nhân danh sĩ bao thời làm nơi đi về hẹn hò, có cả Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan gặp Bà Chúa Liễu đã thành tiên vẫn nhớ cảnh trần. Hồ rộng đến hơn năm trăm công mẫu, có lúc mờ ảo sóng bạc đầu, nên còn tên là hồ Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoái Hồ, Tây Hồ và nay đơn giản: Hồ Tây.

Bạn có biết rằng dựa trên truyền thuyết về một con cáo trắng đào hang trong lòng hồ mà Hồ Tây từng có tên là Hồ Cáo? Ngoài ra nơi đây còn được đặt tên là Lãng Bạc, Đoái Hồ,… Hồ Tây kì bí và giàu giá trị văn hoá, dân gian, dưới ngòi bút của Băng Sơn càng trở nên thú vị hơn bao giờ hết. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn – trái ngọt của hành trình đi khắp Tây Hồ trong Hà Nội Rong Ruổi Quẩn Quanh là những kiến thức văn hoá, lịch sử khiến chúng ta thêm yêu những thắng cảnh Hà Nội.

Có những hoàng hôn đỏ lực, đứng trên đường Thanh Niên, mắt ta gặp mây trời sà xuống phía bờ kia, còn trên mặt sóng là những lá thoi thuyền lướt, đôi người bập bềnh tâm sự, còn ai dong buồm cho chơi vơi nỗi buồn Trương Chi…  Trước mặt là chùa Trấn Quốc, ngôi chùa tĩnh lặng gần mười thế kỉ với hàng cau như đội quân danh dự xếp hàng chào ngoài cổng, còn sân chùa có cây bồ đề Tổng Thống Ấn Độ tự tay mang trồng, đã toả bóng như an ủi chúng sinh.

[…] Xa hồ Tây bao năm, người bạn phương trời có còn nghe lao xao sóng nước, con cá vàng Hồ Tây quẫy trăng, làn sương chiều êm dịu, những màu hoa quanh hồ tặng cái đẹp cho đời… Xin hãy về đây, xuân đã sang, Hồ Tây vẫn đợi, vẫn mong người đấy…

  1. Hà Nội và hoa:

Hà Nội Rong Ruổi Quẩn Quanh là cuốn tản văn được viết qua nhiều năm tháng: có bài viết vào năm 1993, có những bài khác viết vào năm 1998. Mùa này qua mùa khác, nhà văn đã kịp ghi lại những con phố Hà Nội qua những mùa hoa, mùa cây, đủ để chúng ta mường tượng một Hà Nội đẹp đẽ và thơ mộng vô cùng với những góc phố nhiều màu sắc hệt như một bức tranh. Đọc về những con phố ấy trong Hà Nội Rong Ruổi Quẩn Quanh đem lại cho ta một cảm giác hoài cổ lạ lùng khi biết rằng thời gian đã trôi qua mãi mãi và ta phải tự hỏi những nét đẹp ấy liệu đã thay đổi?

Hà Nội có những màu xanh đặc trưng, vừa quý giá như: Sấu tròn tán bốn mùa thường xanh, xà cừ hay đổ nhưng lực lưỡng như lực sĩ, sung sức nên nhiều bóng mát. Sao đen thẳng vút thách thức cùng bão tố. Hoa sữa ngào ngạt đêm thu, mùa đông lại tự treo mành. Cây sưa (xin đừng nhầm là cây sữa) hoa nở trắng ngần tháng Giêng tuy ít ngày nhưng lộng lẫy khó loài nào dám thi cùng sắc đẹp. Cây cơm nguội đẹp trong màu vàng lá. Liễu buông tóc thướt tha vào bờ nước Hồ Gươm, với dáng si tình… rồi bằng lăng tím, hoa phượng đỏ…

Cây bàng mang riêng tiếng nói của mình – tiếng nói của lịch sử và đầy mạnh mẽ. Đi khắp phố phường Hà Nội, ta bắt gặp rặng bàng ở vườn hoa Chí Linh rồi điểm xuyết dọc đường Quán Thánh và rợp bóng tại phố Tràng Thi. Đặc biệt hơn, rặng bàng Khâm Thiên đã trở thành chứng nhân lịch sử khi đứng vững giữa mưa bom đạn vào ngày 26 tháng 12 năm 1972. Vẻ đẹp cây bàng được miêu tả chi tiết với những sắc thái rất riêng từ những tán cây đến lá to bản, mạnh mẽ không để nắng lọt xuống vai người. Cây bàng gần gũi với cuộc sống đời thường, vì thế mà Băng Sơn mới gọi chúng là những công dân đặc biệt của Hà Nội.

Mùa thu trữ tình Hà Nội đầy say đắm, là bàng vẫn mướt như một loại sa tanh mà mỗi đầu cành lá đã chi chít những chùm quả chín vàng, bất chấp loài sâu róm làm thủng lá, có lúc trêu người, cây thả lộp bộp xuống vai người những quả bàng tròn mọng, rồi lăn lóc trên hè phố. Tuổi thơ ai chẳng thích ăn quả bàng đào, bàng mỡ, thoảng thơm. Quả bàng ngọt chìm trong chát, chát tan vào ngọt sẽ thành kỉ niệm tuổi học trò đuổi nhau tranh một quả bàng không thể quên mái tóc cặp trễ tràng trên chiếc lưng thon người bạn gái.

Trong những sắc màu của thủ đô không thể không kể đến sắc đỏ của cây phượng thân thuộc của tuổi học trò. Nhưng còn nhiều điều chúng ta có thể không biết về loài cây mùa hè này như xoan tây là một tên gọi khác và cây phượng chỉ mới du nhập vào nước ta khoảng trăm năm về trước… Phượng nở rộ ở phố Lý Thường Kiệt hay phố Nguyễn Công Trứ, hoa phượng rơi biến mặt đường thành những thảm đỏ thích mắt. Quả phượng với mùi ngai ngái từng là món ăn chỉ có trẻ thơ mới thích kiếm tìm. Thân thuộc và rực rỡ, cây phượng mang một dấu ấn nổi bật trong trái tim mỗi người dân Hà Nội.

Hà Nội là hoa sữa thơm vào giấc ngủ. Hà Nội xuân là hoa sưa trắng muốt đến say lòng. Mùa đông, cơm nguội trút lá để trời khoe màu xám bạc cho người tìm nhau mà tình tự. Còn mùa hè Hà Nội ơi, ta với Hà Nội cứ nồng nàn nhau, thắm đẫm nhau màu đỏ da cam, đỏ xôi gấc, đỏ những cây bốc lửa và lòng bốc lửa dù không được phong là thành phố Hoa Phượng đỏ như Hải Phòng qua thơ Hải Như và nhạc Lương Vĩnh.

Hà Nội còn có muồng vàng sắc nắng, hoa sưa trắng muốt và rất nhiều loài hoa khác tạo thành những vẻ đẹp gần như mang tính biểu tượng. Không chỉ vậy, Hà Nội từng có một nơi bán hoa thân thuộc gọi là Quán Hoa, nơi những đoá hoa dù tưởng vô giá trị nhưng vào đây cũng trở nên đẹp hơn. Quán Hoa Tràng Tiền toả hương thơm, sắc đẹp vào những sáng tinh mơ – giản dị và đầy chất thơ, đó là một kí ức đẹp đẽ về góc phố ngát hương hoa hiếm có.

Quán Hoa Tràng Tiền đã sẻ mình cho Hà Nội hết, không như gần kia tháp Hòa Phong còn đựng rượu trời trên cái bình thời gian chót vót mãi cao. Quán Hoa lặn vào tâm hồn Hà Nội, chắc sẽ còn được nhắc đến lâu dài nữa khi Hồ Gươm còn kia, khi Hồ Tây còn đó, khi cầu Thê Húc vẫn quàng tấm khăn voan đỏ vào chiếc cổ nõn nà của cô gái Hồ Gươm…

Cũng vui khi ta tạm dừng chân nghỉ dưới một gốc muồng vàng, cây cứ cợt đùa, thỉnh thoảng rắc xuống vai ta một vài bông hoa không tiếng động, nhưng ta nghe như cây hỏi: Hà Nội với bao loài cây đẹp như thế có đáng yêu không?

Những vườn hoa như vườn hoa Chí Linh, vườn hoa cạnh Nhà hát lớn, vườn hoa Chi Lăng,… đã trở thành người bạn đối với người dân Hà Nội.  Dù đó chỉ là những mảnh đất bé nhỏ, Hà Nội có những khoảng xanh như vậy để ta gần hơn với thiên nhiên như một cách giải tỏa khỏi những áp lực của cuộc sống đô thị. Nhà văn Băng Sơn viết: Ít ai lại không có một kỉ niệm thân thương nào đó một thời về một vườn hoa nào đó và đúng vậy tại đây người già tập thể dục, người trẻ đi dạo, nói chuyện,… khung cảnh những khóm hoa xinh, cây xanh mướt dần có vị trí đặc biệt trong tim mỗi người Hà Nội.

Hà Nội nhiều cây xanh, nhưng chia cho đầu người thì bình quân còn rất thấp, thua xa nhiều thành phố lớn trên thế giới. Vì vậy, một vườn hoa nhỏ, một công viên lớn, và chỉ một gốc cây xanh thôi, cũng đã là rất đáng quý, đáng yêu, đáng giữ. Bốn mùa thay đổi, lá xanh thay nhau, hoa vàng, hoa tím, hoa đỏ chuyển màu… vườn hoa cho con người hết cả đời mình. Đó cũng là tình yêu, là sự dâng hiến trọn vẹn cho người yêu dấu?

Hà Nội còn nhiều nét đẹp khác: nét đẹp của những con đường, nét đẹp khi xuân đến,… Càng đọc, chúng ta càng thấy yêu và tự hào về Hà Nội. Cuốn sách sẽ làm bạn muốn đứng dậy và đến những con phố xưa để được ngắm nhìn những nét đẹp mà chỉ Hà Nội mới có.