Giới thiệu cuốn sách – Chuyện cũ Hà Nội

Giới thiệu cuốn sách: Chuyện cũ Hà Nội

Chuyện cũ Hà Nội là một tập ký sự lịch sử về Hà Nội đặc sắc của nhà văn Tô Hoài về bức tranh Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX gồm nhiều mảng màu sáng – tối. Qua đó, nhà văn thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về Hà Nội thời Pháp thuộc, khi cái mới và cái cũ giao thoa bằng kiến thức rất phong phú cùng góc nhìn tinh tế, chân thực, hóm hỉnh. Mỗi mẩu truyện ngắn hay bài ký sự đều tái hiện những con người, hoàn cảnh, con đường, làng quê… cụ thể, khiến người đọc ấn tượng bởi tình cảm chân thành, nhân hậu. Giọng văn biến hóa tự nhiên, lúc tình cảm xúc động, lúc lại pha một chút trào phúng nhẹ nhàng. Đọc một cuốn sách giàu giá trị văn học nhưng ta cũng yêu thêm lịch sử, thấy ở mảnh đất ngày nay ta đứng, cha ông ta hay nhiều lớp người thiên cổ – đã sinh sống và suy nghĩ thế nào…

Hà Nội, buổi giao thời, đầy xô bồ và cạm bẫy. Chợ búa đầy cướp giật. Người ta bán người như bán món hàng. Nạn cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê nhan nhản. Tầng lớp thượng lưu sống trên xương máu, mồ hôi của người nghèo. Người lao động chân chính cũng chỉ như con kiến, hạt cát.

Bởi vậy, người lao động Hà Nội lầm than, cơ cực và đói. Người đi vật vờ như bộ xương khô dọc sông Tô Lịch. Người ta muốn đi tù để có người nuôi vợ con ở nhà. Biết nguy hiểm nhưng vẫn cố đóng đinh vào mũi mua vui thiên hạ kiếm tiền. Thậm chí, đói khát, có người coi cái chết mới là điều may mắn, hơn là được sống…

Không chỉ hướng góc nhìn và khơi dậy sự đồng cảm của người đọc vào đời sống xã hội – vật chất của Hà Nội cũ, Chuyện cũ Hà Nội còn là tập ký sự về văn hóa, phong tục với giá trị dày dặn. Một năm khó khăn, nghèo đói, tới cái tết « lo bở cả hơi tai » nhưng vẫn cố cho được miếng thịt cúng tổ tiên tỏ lòng hiếu kính. Trẻ con nghèo ăn nghèo mặc nhưng Tết đến vẫn vui với đôi guốc mộc mới, miếng khế khô lẫn mật gừng hay bánh pháo tép… Rồi lễ hội cờ người ở làng Mọc, hội rước kiệu bò ở Thủ Lệ… gợi ra không gian đậm màu sắc tâm linh và văn hóa đẹp đẽ của Hà Nội.

Đọc Chuyện cũ Hà Nội, mình như bước vào một « cỗ máy thời gian » quay về quá khứ, cùng vui, cùng buồn với người đương thời rồi khi về hiện tại lại « ồ… à… » vỡ lẽ nhiều thứ, thêm yêu Hà Nội hiện tại. Làng Trích Sài ven hồ Tây tấp nập mà mình hay ngồi ăn ốc, hóa ra trước đây là khu rừng rậm rạp, cái tên Trích Sài có nghĩa là đốn củi. Phở/ bún/ mì… chỉ chan nước không, được gọi là « máy bay không người lái », bắt nguồn từ những chiếc máy bay không người lái của Mỹ bay vào trinh sát bầu trời thành phố. Ăn phở Thìn suốt mà tới khi đọc sách, mới biết phở Thìn nổi tiếng tới giờ, là do khi xưa máy bay lao xuống đánh bom cầu Long Biên chỉ có hàng ông Thìn mở bán phở… Đấy, mấy chi tiết nho nhỏ như thế cũng làm mình thấy thú vị lắm!

Thiết nghĩ, để khai sinh cuốn sách này, nhà văn Tô Hoài không chỉ đầu tư thời gian sưu tầm, nghiên cứu, chắt lọc tư liệu mà phải dùng cả một đời yêu thương sâu sắc Hà Nội từ những điều nhỏ nhất, những con người bình dị nhất. Để rồi, thời gian thoi đưa, hôm nay và mai sau nữa, thế hệ nào đọc lại, vẫn yêu đến tận cùng mảnh đất ngàn năm thấm đẫm văn hóa, lịch sử và tình người.

Chiều cuối năm, tôi nhẩn nha bước qua những con phố của Hà Nội, để cảm nhận rõ ràng từng centimet của những cơn gió mang hơi thở của mùa xuân về giữa những góc phố, hàng cây của Hà Nội. Chợt thấy mình như bước chậm lại, tâm hồn nhẹ tênh. Chỉ còn lại những khoảnh khắc ngắn ngủi như thể để tôi có thể gặp lại một Hà Nội của riêng tôi, khuất lấp đâu đó giữa bộn bề cuộc sống.

 

Bước chân vẫn quen thuộc đã đưa tôi bước vào hiệu sách ngay gần bờ hồ. Đi lại vài vòng, ngắm nhìn những cuốn sách mới, đẹp lung linh, và rồi giữa những mê cung sách ấy, tôi tìm thấy một “Chuyện cũ Hà Nội”, nằm khiêm nhường trên kệ sách. Lật giở vài trang, để rồi ngay lập tức tôi đã bị cuốn hút bởi những trang viết hóm hỉnh, thông minh, nhẹ tênh, có phần tưng tửng của Tô Hoài, nhưng càng đọc càng ngấm, và cũng ngấm luôn cả cái tha thiết, cái tình yêu đến ngọt ngào, ý nhị, và sâu sắc của nhà văn Tô Hoài với một Hà Nội ngàn năm xưa cũ.

 

Tôi cảm giác như có lúc mình đã đọc cuốn sách đó thật vội vàng, rồi có khi lại chậm chạp như muốn cắt nghĩa từng câu từng chữ của nhà văn. Tô Hoài viết những câu chuyện nhỏ nhặt thôi, đời thường thôi, vậy mà lại quyến rũ được tất cả những ai đã từng đọc cuốn sách ấy. Nhà văn Băng Sơn đã có nhận xét rằng “Là người thuộc lớp trên 70, đọc bộ sách Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài càng thấy đây là bộ sách giá trị, đầy chất lịch sử và nhân văn, nhân ái, mỗi người đều có thể kiểm chứng được bằng chính bản thân cuộc sống của mình”.

 

Ông cũng không cố gắng để khoe cái tài văn chương của mình mà chỉ nhẹ nhàng, giản dị như ghi lại, kể lại, thuật lại những cảnh, những người, những việc hoàn toàn có thật của một Hà Nội xa xưa, và hình như đã chìm khuất ở đâu mất rồi giữa một Hà Nội đang chuyển mình đau đớn với những con phố mới rộng thênh thang nhưng lại quá đỗi chật hẹp cho những bước chân lang thang.

Một Hà Nội tràn ngập nhà cao tầng, và thiếu hụt những tình thương mến gần gụi. Hà Nội như trôi dạt vào thời quá vãng xa xôi. Những người cao tuổi đọc cuốn sách này để ngậm ngùi, thương nhớ về một thời đã xa, những người trẻ tuổi lại càng cần phải đọc “Chuyện cũ Hà Nội” để biết Hà Nội đã sống một thời gian khó khăn, nhọc nhằn nhưng thân ái, thanh lịch, trầm lắng và nhân hậu đến thế nào.

Một người thầy dạy Đại học của tôi, mỗi lần nhắc về Hà Nội thì đôi mắt lại trầm xuống như muốn khóc. Và rồi nói rất nhỏ một lời thôi “Hà Nội ngày xưa của tôi đẹp lắm”, những khi ấy là biết bao nhiêu câu chuyện cũ gợi về. Hà Nội với dọc dài những con phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Giấy, Hàng Buồm…. là một chiều mùa thu sương mờ tìm Tây Hồ, một buổi sáng Hoàn Kiếm xanh vời vợi… Hà Nội vẫn còn những triền đê, những ngô khoai xanh rờn…. Đọc “Chuyện cũ Hà Nội” để tìm lại một Hà Nội đẹp đến tinh khôi và ấm áp.

Tô Hoài đã viết cuốn sách ấy không chỉ bằng một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, chắt lọc, mà ở đó còn là cả một cuộc đời yêu thương đến sâu sắc từng ngôi nhà, mái phố, hàng cây, và thấm đẫm cả những nụ cười, những giọt mồ hôi, nước mắt của cả một thế hệ Hà Nội thời ấy. Đó không chỉ là món quà ý nghĩa nhất mà ông giành tặng cho Hà Nội thương yêu, mà còn là cho tất cả những người con sống giữa mảnh đất ấy, cũng là cho chính ông để rồi yêu thương đến tận cùng.

 

Tô Hoài đã viết “Chuyện cũ Hà Nội” bằng cuộc đời ông. Một Hà Nội hiện ra đến say mê như chút men rượu nồng, và như ông đã nói đại ý rằng, hết cuộc đời cũng sẽ còn viết về một Hà Nội xưa thế thôi…

Nếu ai không yêu Hà Nôi, có thể chỉ đọc để biết, nhưng với những người yêu mảnh đất này, bạn đừng ngần ngại gì nữa, đó là cuốn sách giành cho chính bạn, bởi đó không phải chỉ là biết, mà hơn tất cả đó là tình yêu. Một tình yêu sâu sắc đến vẹn nguyên.