Giới thiệu cuốn sách – Đi xuyên Hà Nội

Giới thiệu cuốn sách: Đi xuyên Hà Nội

Hà nội những ngày tháng 4 – những ngày chuyển giao giữa mùa xuân và mùa hè, cứ ngỡ sẽ là những khoảnh khắc đẹp nhất của Hà Nội với những cơn gió nhẹ đủ để tạo thành cơn mưa lá tắm mát cả con đường, sắc vàng của mùa thay lá nhuộm kín những góc phố thân quen; đây cũng là thời khắc mà người ta thường dắt nhau đi qua những phố phường để ngắm nhìn một Hà Nội những ngày chuyển mình. Nhưng đó là Hà Nội của năm ngoái, năm kia và những năm trước, tháng tư năm nay người ta chỉ có thể ngồi trong nhà và ngắm Hà Nội qua những bức ảnh trên mạng hay qua khung cửa sổ vì dịch bệnh Covid đang làm chao đảo đất nước của chúng ta. Hà Nội những ngày này khiến người ta thật kinh ngạc không biết những góc phố, những cảnh tượng trong ký ức của mình đã đi đâu, không phải một Hà Nội chen chúc, nhộn nhịp, xô bồ như thường lệ… Hà Nội những ngày này là những ngày toàn dân chiến đấu, ở trong nhà là chiến đấu. Đã ai nhớ về Hà Nội của những ngày không có Covid – 19 chưa?

Một cuốn sách hay về Hà Nội chắc đủ làm ai đó nguôi ngoai phần nào và cũng là dịp để cùng ngắm nhìn lại Hà Nội văn hiến của chúng ta đã trải qua những năm tháng như thế nào. Hãy để cuốn sách “Đi xuyên Hà Nội” của tác giả Nguyễn Ngọc Tiến do Nhà xuất bản trẻ phát hành giúp bạn làm điều đó.

Tác giả Nguyễn Ngọc Tiến được biết đến là một trong những tác giả viết về Hà Nội nhiều nhất hiện nay. Bên cạnh những cuốn khảo cứu “5678 bước chân quanh Hồ Gươm”, “Đi dọc Hà Nội”, “Đi ngang Hà Nội” thì “Đi xuyên Hà Nội” là một bức tranh sinh động với đầy ắp những chuyện cũ, chuyện mới về Hà Nội được ông tâm đắc.

Trong cuốn sách của mình, tác giả Nguyễn Ngọc Tiến cho người ta biết về Hà Nội một thời là hình mẫu của lối sống thanh lịch. Cùng trở về từ cái thời người Pháp bắt đầu xây dựng những tòa biệt thự xinh đẹp làm nơi nghỉ ngơi. Khi đó, các phố Hàng vẫn còn bán đúng sản phẩm theo cái tên của mình, thành phường, thành hội. Và rồi tác giả còn đi về xa hơn nữa, tìm về nguồn gốc của tiếng rao, của những gánh hàng rong đã trở thành sản phẩm văn hóa của Hà Nội.

Tác giả đi phân tích cho ta hiểu nhiều về văn hoá, thói quen, nếp sống, sở thích của “người Tràng An”, bước chuyển mình lịch sử của Thủ đô qua những thời bom đạn chiến tranh. Tác giả cũng không ngần ngại bàn đến vấn đề người nhập cư, là điều luôn khiến cho những người “Hà Nội gốc” bất bình, để rồi cho thấy nhập cư là vấn đề muôn đời của Hà Nội. Câu chuyện lịch sử của Hà Nội đã tạo ra rất nhiều lý do khiến người nơi khác kéo về nơi đây làm ăn sinh sống.

Không ca tụng, không tránh né, cũng không chỉ trích, tác giả Nguyễn Ngọc Tiến không chỉ giới thiệu sách viết từ tâm tình sâu nặng, mà còn cho ta một bức tranh đa sắc của thành phố thủ đô. Ở đó có những cụ bà khách đến nhà chơi là phải vào nhà thay áo. Ở đó cũng có những tệ nạn đã trở thành một phần của đời sống con người. Và ở đó, cũng có những niềm tự hào khiến người ta phải luôn nhớ về Hà Nội. Và tất nhiên, ở đó luôn là nỗi nhớ, để bất cứ ai từng là một phần của Hà Nội cũng sẽ cảm thấy muốn trở về.

Điều đắt giá nhất mà “Đi xuyên Hà Nội” làm được là ở giá trị của những trang truyện-sử phong tục xã hội, điều mà các chính sử thường bỏ qua. Cùng với sự lựa chọn đề tài đa dạng, gần gũi với đời sống thường nhật đã làm nên sự sống động của cuốn sách. Hãy cùng với “Đi xuyên Hà Nội” thả hồn vào dòng lịch sử mênh mang của thủ đô yêu dấu và cảm nhận thực sự những nét đẹp của Hà Nội. Đặc biệt là trong những ngày toàn dân đang kháng chiến với dịch bệnh Covid – 19. Cùng đọc và viết tiếp tác phẩm văn học này bằng những cảm nhận của mình về một Hà Nội đã oai hùng như thế nào trong những ngày dịch bệnh hoành hành  nhé.