Giới thiệu cuốn sách: Hà Nội lầm than

HÀ NỘI LẦM THAN, CŨNG BỞI “LẦM” NÊN MỚI CÓ “THAN”!

(Ngày ngày viết chữ) Hà Nội lầm than (1938) được coi là thiên phóng sự đặc sắc và được nhắc đến nhiều nhất của cây bút Trọng Lang. Tác phẩm này, với sự khác biệt nằm ngay trong nhan đề, từ lúc ra đời đến nay vẫn luôn là một trong những diễn ngôn đáng chú ý nhất về Hà Nội khi đô thị này còn thấm đẫm không khí thực dân đa sắc thái.

Hà Nội lầm than là một Hà Nội của giai tầng dưới đáy, của những hạng người và hạng nghề bị vây trong sự dè bỉu, coi thường vì phi chuẩn mực so với đám đông xã hội. Trọng Lang trong vai một “tay chơi” có máu điều tra, đã chứng kiến và tái dựng nguyên trạng tình cảnh của những người phụ nữ “nô lệ tạm thời” tại các quán bar, tiệm nhảy, nhà thổ,… nơi thường xuyên lui tới của các tầng lớp giàu có và ưa thích thú vui xác thịt.

Đằng sau các thủ pháp viết lách linh hoạt, Hà Nội lầm than có nhiều câu chuyện “có thể làm cho mặt trăng u ám đi được” vì mức độ tê tái trắng phớ của nó.
Vào năm 1938, tác phẩm này quả thật đã cứa rất sâu vào một trong những thực tế đang trương phình ở các đô thị thuộc địa: nạn mua bán dâm, sự phát triển của nhà thổ, các điểm kinh doanh tình dục trá hình. Báo chí thời ấy không bỏ qua thực tế này, theo nhiều cách khác nhau, lần lượt lên tiếng như một nỗ lực khảo tả kỹ càng hơn về vị trí của người phụ nữ. Không phải ngẫu nhiên mà Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, Đàn bà mới,… là những tờ báo xông xáo theo đuổi chủ đề mại dâm và hầu hết đều coi đây là một vấn nạn cần bài trừ.

Trong phóng sự này, Trọng Lang không hoàn toàn đứng về phía bênh vực những cô đầm, gái nhảy, tầng lớp xét cho cùng là bị bóc lột, bị gạt ra rìa, dù ông “đàng hoàng bước vào nhà thổ với ngòi bút và lòng thương”. Ông phê phán và liên tục chỉ ra thảm trạng bi đát mà họ phải chịu đựng. Với ông, nạn nhân cũng đồng thời là kẻ chủ ý chuốc lấy đau khổ vì đã tự mình lựa chọn một đời sống như vậy.

Trước khi thực hiện thiên phóng sự của mình, Trọng Lang đã đi tìm sự lầm than qua những số phận trong đô thị thuộc địa, bằng gam màu vô cùng tối tăm, bẩn thỉu, nhơ nhớp,… nhưng đầy hiện thực để vẽ nên một bức tranh thật như chụp. Những nhân vật được tác giả “day tận mặt”, các mánh khóe “buôn da bán thịt” được phơi bày, thói thực dụng tiền bạc được liệt kê, những ngóc ngách thân phận được “kê khai” tường tận, những bộ dạng tàn tạ, nhếch nhác, sống cũng như chết được đặc tả hết sức chân thực và đầy đủ.

Trọng Lang mở đầu tác phẩm bằng nghề nhảy đầm, mà người làm nghề được gọi là “gái nhảy”. Cái nghề mà ai làm nó cũng phải thức thâu đêm, phải biết xem đánh phấn, tô son là “món ăn” thường ngày. Cái nghề bị xã hội đặt trong sự chê bai, dè bỉu, coi thường,… Cái nghề chỉ dành riêng cho tầng lớp đáy cùng của xã hội. Cái nghề mua vui rẻ tiền. Lúc bấy giờ, nhảy đầm là một nghề “hot” của phụ nữ Việt Nam.

Người làm nghề đa số là “các cô nhảy là cô đầu kiêm nhảy không lương, vừa xấu, vừa cục kịch, vừa ghẻ lở…”. Họ vốn là những cô gái quê đặc, hoặc ở Hà Nội nhưng suốt ngày đầu tắt mặt tối bên hàng rau, hàng cá ngoài chợ Đồng Xuân. Họ đến với nghề bằng nhiều lẽ khác nhau. Người thì muốn thoát khỏi cái nghèo đói, vẻ quê mùa, và mùi tanh bẩn của xóm chợ. Kẻ do hoàn cảnh ép buộc, đưa đẩy. Kẻ thì làm nghề vì thích. “Thích nhảy đầm, thích đi với đàn ông. Chỉ còn cách đi làm gái nhảy. Vừa được tiền vừa được chọn tình yêu một cách dễ dàng.” Đến nỗi, “giữa lúc cô đang vui sống như một người như người ở tù ra, thì bố cô nhất định bắt cô về.

Thế là cô tự tử.”

Họ lao vào “nghề” này như con thiêu thân lao vào đốm lửa. Nhưng đâu ai ý thức được rằng sự tráng lệ, hào nhoáng, náo nhiệt của đô thị này không phải dành cho những phận người như họ. Họa chăng là dành cho họ, nhưng theo cách mà không giống như họ nghĩ. Họ đến đây “để” cho xã hội coi thường, “khách làng chơi” chà đạp và “để” làm nô lệ không lương cho các ả giang hồ nặc nô, bặm trợn, ưa mắng ưa đánh, và còn nhiều điều thê thảm hơn thế nữa.

Tác giả đã viết: “Nghề nhảy đầm – bằng cứ ở việc tôi đã mục kích – là bực thang đưa các cô gái quê từ chỗ trong trẻo đến với chỗ cặn bã của xã hội”, hoặc “…cũng như phần nhiều cô gái khác, từ chỗ hang cùng ngõ hẻm, từ chỗ rau dưa, tôm cá của chợ Đồng Xuân, hay là từ chỗ quê mùa trong trẻo, ra đi bước đầu đời của nghề nhảy một cách luộm thuộm, hôi hám như thế”.

Nhưng chung quy lại, nếu có ai hỏi vì sao họ đến với nghề này thì họ chỉ trả lời bằng một sáo ngữ ngắn gọn: “vì hoàn cảnh”.

Họ sẵn sàng “bạ” với một người vừa gặp một tối, bởi họ “tự coi cái thân mình là rẻ”. Rồi họ cũng xảo trá trong những thủ đoạn moi tiền trơ trẽn, mà đôi khi cái vơ được chỉ là một chiếc áo hay một bữa ăn khuya. Họ chẳng quan tâm thiên hạ nghĩ về họ như thế nào, họ tự khẳng định rằng mình có còn tẹo nhân cách nào đâu mà buộc người ta nghĩ tốt cho mình. Và nụ cười – nét đẹp nhất của con người, cũng được tạo nên bằng roi vọt. Cuộc sống của họ, do đó cũng chẳng mấy khi là được làm “người” trọn vẹn.

Những con người lầm than của nghề “nhảy đầm” được Trọng Lang đi tìm và miêu tả trung thực đến đáng thương như thế sau những lần thâm nhập thực tế của ông. Trọng Lang đã kết thúc những dòng cuối cùng về nghề gái nhảy trong phóng sự của mình như sau: “Tôi đã nói đến nỗi thống khổ trong một nghề mới của phụ nữ Việt Nam”. Một nỗi thống khổ mà chỉ có thể kết thúc khi người đàn bà chết đi.

Hà Nội lầm than, có đọc trọn tác phẩm này, người đọc mới thấu được nỗi chua chát của những khái niệm về đô thị mới, về cuộc sống thị thành, khi những trào lưu xa lạ đột ngột xộc vào làm băng hoại một tầng lớp xã hội – như tầng lớp những “cô đầm” đáng thương lẫn đáng trách. Hà Nội lầm than, một Hà Nội cũng bởi “lầm” nên mới có “than”!

Trọng Lang (1906 – 1986), tên thật là Trần Tán Cửu, quê ở làng Do Lễ, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông, nay là huyện Thường Tín, Hà Nội. Gia đình ông giàu truyền thống Nho học. Ông được đánh giá là một trong những cây bút phóng sự tiêu biểu nhất của nền văn học Việt Nam. Vũ Ngọc Phan viết về Trọng Lang như sau: “Trong số các nhà văn viết phóng sự gần đây, Trọng Lang có óc phê bình hơn cả. Văn ông đanh thép và sắc cạnh, chuyên về tả cảnh nhiều hơn tả tình”.

Trọng Lang đã kiên trì theo đuổi nhiều đề tài gai góc như một cây bút ý thức rất cao trách nhiệm can dự xã hội của mình. Thứ nữa, ông lựa chọn kênh phát ngôn chính yếu ở phóng sự, một loại hình lao động chữ nghĩa cần đến cả bản lĩnh và sự trung thực đến tận đáy. Phẩm chất đó, cùng với việc kịp đứng trong chiến tuyến của tinh thần duy tân, sẵn sàng phê phán mọi đối tượng, đã giúp Trọng Lang hoàn thành văn nghiệp đáng kể của mình trước 1945 với những Trong làng chạy (1935), Bí mật của sư, vãi (1935), Đồng bóng (1936), Làm tiền (1939), Với các ông lang (1941),… Năm 1954, Trọng Lang vào Nam, tiếp tục hoạt động văn chương báo chí. Ông mất tại Sài Gòn ngày 29/4/1986.